PV: Thưa PGS, với trường hợp của cháu bé 3 tháng tuổi bị nhiễm COVID-19, chúng ta nên có những phương án gì để phòng ngừa lây nhiễm chéo từ bệnh nhi sang mẹ?
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý: Theo nghiên cứu, COVID-19 cũng tương tự như các virus khác là lây truyền qua 2 đường chính đó là không khí và giọt bắn chứ chưa có nghiên cứu chứng minh bệnh lây qua nguồn sữa mẹ hay đường máu. Bé vẫn cần được tiếp tục uống sữa mẹ, đồng thời trong sữa mẹ cũng cung cấp miễn dịch cho trẻ. Không nên cách ly người mẹ với bé mà nên có các biện pháp bảo vệ người mẹ tối đa để hạn chế lây nhiễm chéo như đeo khẩu trang kín, vắt sữa cho trẻ bú… và tiếp tục theo dõi phát hiện sớm các triệu chứng của trẻ.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý - Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội.
PV: Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, người lớn cần làm gì để con an toàn?
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý: Mẹ là người gần bé nhất, là nguồn lây trực tiếp với đứa trẻ. Vì vậy người mẹ cần lưu ý, để tránh lây nhiễm cho con, cần hạn chế đi lại nơi đông người, hạn chế đi vào vùng công bố dịch hoặc đã có người nhiễm COVID-19, đeo khẩu trang thường xuyên khi đi ra ngoài. Thực hiện vệ sinh tay chân, toàn thân, thậm chí thay quần áo trước khi tiếp xúc với trẻ. Giữ ấm cơ thể, giữ ấm nhà cửa vì virus hoạt động yếu hơn khi nhiệt độ nóng. Hạn chế thăm nom, ôm ấp và hôn trẻ vì bệnh rất dễ lây qua đường giọt bắn. Người mẹ cần tự bảo vệ con mình khỏi các nguy cơ lây nhiễm và mỗi người chúng ta đều nên có ý thức bảo vệ con mình.
PV: Theo PGS làm sao để trẻ đến trường mà không bị lây nhiễm COVID-19? Cần làm gì để trẻ tăng cường đề kháng và giúp con biết cách tự bảo vệ mình trước dịch bệnh?
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thuý: Thời điểm này, phụ huynh nên rèn và dạy cho các em một số kỹ năng để phòng chống bệnh: Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, rửa tay ở nhà, khi đến lớp và sau khi chơi đồ chơi. Tuy nhiên việc đeo khẩu trang ở trẻ rất khó, cha mẹ cần động viên, hướng dẫn con cách làm.
Đối với trẻ lớn hơn, vẫn cần duy trì sử dụng khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Thông thường, trẻ thường rửa tay vào các thời điểm: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi về nhà thì trong đợt này, nên hướng dẫn trẻ vệ sinh thường xuyên hơn như sau khi chơi đồ chơi, sau mỗi tiết học,...
Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách để phòng bệnh.
Nhà trường cũng cần có trách nhiệm trong việc khử trùng, giữ vệ sinh lớp học để tránh nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan bệnh cho trẻ. COVID-19 phát tán ra không khí thường bám vào bề mặt của các đồ vật, đồ chơi trẻ em… Do đó, cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, đồ dùng, đồ chơi của trẻ tại nhà hoặc những vị trí như tay nắm cửa bằng chất cồn hoặc dung dịch sát khuẩn để loại bỏ vết bẩn cũng như vi khuẩn, virus nhằm hạn chế sự lây nhiễm của COVID-19.
Nên hướng dẫn trẻ rửa tay theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hạn chế các lớp quá đông người, nên chia nhỏ nhóm vì tập trung đông học sinh thì mật độ lây nhiễm cao hơn bình thường. Càng ít tập trung học sinh thì càng ít nguy cơ.
Các gia đình có con bị ốm thì nên cho trẻ ở nhà ở nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Nếu trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như ho, hắt hơi, chảy mũi… kèm theo tiền sử có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm COVID-19, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời (không cần phải đến các bệnh viện trung ương tuyến cuối để tránh lây nhiễm chéo) . Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ giúp nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Em bé còn được bú mẹ phải tận dụng bú mẹ. Đối với trẻ lớn hơn, cần cung cấp đủ nước, bổ sung rau củ, trái cây. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy uống vitamin chống được virus nhưng vitamin giúp cho hệ miễn dịch hoạt động tốt, rất cần thiết trong giai đoạn này.