Hiện nay, thời tiết đang mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và dễ bùng phát bệnh trên diện rộng. Do đó, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, người dân không nên chủ quan, lơ là các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh chủ yếu do muỗi Aedes aegypti truyền virus từ người bệnh sang người lành
Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thất thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong
1. Đặc điểm của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
Muỗi có màu đen sậm, có đốm trắng tại chân và thân nên thường được gọi là muỗi vằn, kích thước lớn hơn các loại muỗi thông thường.
- Tập tính: Muỗi thường tập trung tại những góc tối, ẩm thấp trong nhà như tủ quần áo, chăn màn, các đồ dùng sinh hoạt. Muỗi cái thường đẻ trứng tại các vũng nước như ao, hồ, chum, vại, hốc cây, giếng nước…
- Muỗi cái Aedes aegypti trưởng thành bắt đầu hành trình hút máu lần đầu vào khoảng 48 giờ sau khi nở, trong một chu kỳ sinh thực, muỗi có thể hút máu nhiều lần. Thời gian từ khi hút máu tới khi đẻ trứng thay đổi từ 2-5 ngày. Muỗi hoạt động hút máu chủ yếu vào ban ngày, có 2 thời điểm cao nhất là sáng sớm (lúc mặt trời mọc) và chiều tối (lúc mặt trời sắp lặn), thời gian hoạt động mạnh nhất vào khoảng 1 giờ trước khi mặt trời lặn. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể hoạt động hút máu suốt ngày, thậm chí cả ban đêm với mức độ thấp hơn.
Sau khi hút phải máu người có chứa virus Dengue, thời kỳ ủ bệnh ở trong muỗi khoảng 10-12 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để virus được nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi. Sau thời kỳ này, muỗi đã bị nhiễm virus và có thể truyền virus Dengue cho những người khác mỗi khi đốt
Thời gian sinh sống: Muỗi có thể sinh sống quanh năm song phát triển nhiều nhất là vào mùa mưa, thời điểm giao mùa, nhiệt độ trong không khí thấp, độ ẩm lớn. Vòng đời của muỗi từ trứng đến muỗi trưởng thành thường kéo dài từ 7 cho đến 10 ngày.
2. Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:
- Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.
-Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.
- Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Sau khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh sẽ có miễn dịch trọn đời với tuýp virus đã mắc nhưng không có miễn dịch chéo với các tuýp virus còn lại. Do đó, người bệnh vẫn có thể bị sốt xuất huyết tái nhiễm với các tuýp virus khác. Mỗi người có thể bị sốt xuất huyết 4 lần trong đời, tương ứng với 4 tuýp của virus Dengue.
3. Biểu hiện của bệnh Sốt xuất huyết:
Sốt cao đột ngột, người mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Sốt liên tục kéo dài 2-7 ngày. Sau đó có các biểu hiện xuất huyết: Ở da biểu hiện là các nốt xuất huyết rải rác thường ở mặt trước cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím; Ở niêm mạc gồm có: chảy máu mũi, lợi, đôi khi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài; Ở nội tạng: xuất huyết tiêu hoá, phổi, xuất huyết não... là biểu hiện nặng của bệnh; Khi có các dấu hiệu trên thì cần phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Sốt xuất huyết Dengue trên cơ địa đặc biệt: nhũ nhi, béo phì, bệnh lý đi kèm nên nhập viện điều trị
Các biểu hiện xuất huyết của Bệnh Sốt xuất huyết
4. Cách chăm sóc tại nhà:
- Sốt cao ≥ 38.5oC: cho thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo. ăn thức ăn lỏng dể tiêu, uống nhiều nước
- Lau mát bằng nước ấm khi nhiệt độ ≥ 39.5oC.
- Paracetamol, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần mỗi 4 – 6 giờ. ( Tổng liều paracetamol không quá 60 mg/kg/24giờ). Chú ý: không dùng thuốc Aspirin, Ibuprofen trên bệnh nhân bị Sốt xuất huyết.
- Bù dịch sớm bằng đường uống: khuyến khích uống nhiều nước chín, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh), Oresol; tránh thức ăn, nước uống màu đỏ, đen, nâu.
- Tái khám mỗi ngày
5. Phòng bệnh
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt muỗi, bọ gậy bằng cách: đậy kín tất cả các vật dụng chứa nước ăn uống sinh hoạt như bể, chum vại, lu đựng nước.
- Thả cá vào bể, giếng, chum vại để diệt lăng quăng.
- Thu gom hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như: chai, lọ, vỏ dừa…. dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
- Súc rửa chum, vại, lu hàng tuần.
- Khi xảy ra dịch cần tăng cường các biện pháp chống dịch, làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi.
- Phòng muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay che kín tay chân.
+ Ngủ trong mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng binh xịt muỗi, vợt điện diệt muỗi …
Vì sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi tổ chức và mỗi cá nhân hãy tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho cộng đồng biết cách phát hiện và phòng chống bệnh sốt xuất huyết có hiệu quả.