Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã phát động phong trào thi đua đặc biệt cho năm học 2021 - 2022 với chủ đề: Toàn ngành Giáo dục đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát động đợt thi đua đặc biệt toàn ngành
Theo Bộ trưởng, năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo; Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục để tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm học mới bắt đầu trong bối cảnh cả nước đang gồng mình phòng chống dịch bệnh COVID-19 với những diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2021 - 2022 là: Vừa chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp ứng phó với đại dịch COVID-19, vừa phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm học, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt", "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt"; hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19", thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Giáo dục, Bộ trưởng đã phát động phong trào thi đua đặc biệt cho năm học 2021 - 2022 và đề nghị toàn ngành tập trung vào một số nội dung chủ yếu.
Một là: Mỗi trường học, mỗi cơ sở giáo dục là một pháo đài chống dịch. Tập thể lãnh đạo nhà trường chủ động, sáng tạo xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp linh hoạt nhằm ứng phó với dịch bệnh và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học 2021 - 2022. Chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo để hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh và đáp ứng yêu cầu chuyển trạng thái hoạt động trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Bảo đảm trường học an toàn, tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp; trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến với nhiều hình thức, phương pháp sáng tạo, lôi cuốn, đem lại hứng thú cho học sinh, sinh viên, có nhiều hình thức thiết thực để hỗ trợ các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, biểu dương kịp thời những tấm gương học sinh vượt khó, vươn lên trong học tập rèn luyện.
Hai là: Mỗi giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên là một chiến sĩ. Từng cá nhân thực hiện đồng bộ, đầy đủ các yêu cầu của ngành y tế và chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua các khó khăn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Các giáo viên, giảng viên tích cực thi đua xây dựng hệ thống bài giảng chất lượng tốt, sản xuất các bài giảng video, kho học liệu điện tử chia sẻ theo hướng tạo lập kho dữ liệu mở dùng chung toàn ngành, tăng tính thích ứng, khả năng tự học và trải nghiệm đối với người học. Ra sức thi đua đổi mới sáng tạo, có thêm nhiều công trình nghiên cứu, sản phẩm khoa học có giá trị thực tiễn, tham gia vào hoạt động phòng chống dịch bệnh, cứu chữa cho người dân.
Ba là: Các cơ quan quản lý giáo dục các cấp phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, giữ gìn kỷ cương, tinh thần đoàn kết thống nhất, ưu tiên cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền địa phương; đồng thời quan tâm công tác bảo đảm chất lượng, hiệu quả giáo dục. Chủ động, sáng tạo xây dựng kế hoạch năm học và hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai linh hoạt; quan tâm hỗ trợ, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ và kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc, nảy sinh trong quá trình thực hiện. Chú trọng công tác động viên, khích lệ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, nhân viên, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh nâng cao ý thức công dân, tự giác, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và chung sức, đồng lòng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bốn là: Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, đơn vị trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn cho người học và giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục, không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh trong nhà trường; phối hợp tốt với ngành y tế tổ chức tiêm phòng cho học sinh khi có điều kiện. Tích cực triển khai các hoạt động chăm lo sức khỏe học đường, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng trường học xanh sạch đẹp, rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao khả năng kháng dịch của cán bộ và học sinh.
Toàn cảnh lễ phát động trực tuyến.phong trào thi đua đặc biệt cho năm học 2021 - 2022.
Sau lễ phát động, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành kế hoạch để triển khai Phong trào thi đua. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở GD&ĐT, thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm trong cả nước quan tâm chỉ đạo, cụ thể hoá các nội dung trên thành kế hoạch cụ thể của địa phương, đơn vị mình với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo để tổ chức thực hiện, thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu kép trong năm học 2021 - 2022.
"Tôi tin tưởng rằng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, các nhà giáo, công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên trong toàn ngành sẽ cùng nhau đoàn kết, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh COVID-19 và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Hà Nội hưởng ứng thi đua bằng những công việc thiết thực
Thay mặt lãnh đạo ngành Giáo dục Thủ đô, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội bày tỏ sự đồng tình, quyết tâm cao với chủ đề, mục tiêu và các giải pháp chủ yếu của của phong trào thi đua đặc biệt do Bộ GD&ĐT phát động.
Ông Trần Thế Cương cho biết, ngành Giáo dục Thủ đô sẽ tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp thống nhất hành động, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua bằng những nội dung công việc cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, địa phương, cơ sở giáo dục.
Đồng thời, tiếp tục phát huy, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả, thiết thực ở mỗi lĩnh vực, địa phương. Không ngừng học tập, đổi mới, sáng tạo trong triển khai từng nội dung thi đua, các cuộc vận động để tạo nên phong trào thi đua lan rộng trong toàn ngành.
Trong thời gian trước mắt, ngành Giáo dục Thủ đô sẽ tập trung, ưu tiên triển khai một số nội dung. Trong đó, có việc tổ chức tốt lễ khai giảng được truyền hình trực tiếp và trực tuyến toàn thành phố vào ngày 5/9/2021, bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19, trang trọng, ý nghĩa, tạo không khí phấn khởi trong toàn ngành nhân dịp bước vào năm học mới.
Tiếp tục rà soát, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, học sinh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong toàn ngành, bảo đảm mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau". Tiếp tục phát động, đẩy mạnh phong trào "Máy tính cho em", hỗ trợ học sinh về thiết bị học tập trực tuyến để sẵn sàng cho năm học mới.
Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa tích cực phòng chống dịch COVID-19, vừa triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục, bảo đảm chất lượng với các yêu cầu cốt lói; đặc biệt quan tâm việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa lớp 6.
Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục, cũng như điều kiện thực tế của người học. Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình…
Đặc biệt, ông Trần Thế Cương thông tin: Năm học 2021 - 2022, thành phố thực hiện miễn giảm 50% học phí cả năm học cho học sinh các cấp với tổng nguồn kinh phí 900 tỷ đồng. Học kỳ II, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngành sẽ tiếp tục tham mưu để có thể miễn giảm 100% học phí cho người học.